Sunday, June 13, 2010

Kinh nghiệm học tiếng Anh

Bạn bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh trong trường từ lớp 6 (thậm chí là sớm hơn) và sau đó học đến hết lớp 12 và tiếp tục học ở đại học. Đó là khoảng thời gian gần 10 năm hoặc hơn! Vậy thì tại sao bạn còn đến trung tâm Anh ngữ để làm gì? Trong khoảng thời gian dài đó, bạn đã học được những gì? Có phải bạn chưa tự tin với khả năng Anh ngữ của mình không? Để tìm sự tự tin, bạn nghĩ chỉ cần ghi danh vào một trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng nào đó là có thể an tâm trình độ mình sẽ cao lên? Nếu bạn không thay đổi tư duy này thì bạn sẽ tiếp tục đi lại con đường cũ: tốn bao nhiêu tiền bạc, thời gian, và công sức chỉ để đổi lấy một vài câu tiếng Anh với bao cấu trúc ngữ pháp cũ rích, sau đó lại thấy chưa tự tin, lại tốn tiền, giờ và công để học thêm một vài câu tiếng Anh nữa rồi lại chưa thấy tự tin... Tôi không hy vọng một vài năm nữa bạn sẽ là học viên ở một trung tâm Anh ngữ khác! Tôi mong những kinh nghiệm mà tôi chia sẻ dưới đây ít nhiều sẽ giúp bạn tự tin hơn. Hãy bắt đầu từ chính bạn.
Trước hết, xin nói trước những điều dưới đây là kinh nghiệm, không phải "bí quyết" như một số người thường dùng. Từ "bí quyết" nghe giống như là có một phương pháp nào đó ít ai biết giúp bạn thành thạo ngoại ngữ một cách nhanh chóng. Theo tôi, chẳng có bí quyết nào hơn bí quyết này:

Chẳng có người thầy nào giỏi hơn chính bạn.

Nếu chịu khó suy nghĩ, bạn sẽ thấy những kinh nghiệm dưới đây phản ánh cách vận hành tự nhiên của bộ não chúng ta khi chúng ta tiếp thu ngôn ngữ.

Học một ngoại ngữ giống như xây một tòa nhà vậy. Nếu ngay từ đầu cái móng đã lung lay thì chuyện tòa nhà sụp hoàn toàn có thể đoán được. Do đó trước khi học cái gì đó cao siêu, hãy nắm thật vững những điều căn bản. Theo kinh nghiệm của tôi, quá trình "xây cất" đó phải gồm các bước sau:

  1. Tạo động lực
  2. Chọn một cuốn từ điển tốt
  3. Học cách phát âm
  4. Học từ loại tiếng Anh
  5. Trau dồi từ vựng đều đặn
  6. Trau dồi ngữ pháp
  7. Trau dồi ý tưởng


Tạo động lực
Đây là bước cực kỳ quan trọng vì nếu như ngay từ đầu bạn không có động lực học tiếng Anh thì bạn sẽ không bao giờ tiến xa được. Nếu bạn biết được lợi ích và lý do của việc mình làm, bạn sẽ thấy nó rất thú vị.

Học tiếng Anh rất thú vị.

Chọn một cuốn từ điển tốt
Một cuốn từ điển tốt có thể thay thế người thầy khi bạn gặp trở ngại về ngôn ngữ. Do đó, nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh, đừng bao giờ trông chờ nhiều vào những cuốn từ điển Anh-Việt, hay tệ hơn, cái gọi là Kim từ điển. Từ điển Anh-Anh viết riêng cho học viên Anh ngữ sẽ giúp bạn tự trả lời những câu hỏi như thế này:

  • He doesn't want me coming home so late. đúng hay sai?
  • He stops going there. hay He stops to go there. là đúng?
  • Tại sao We will discuss about that question. sai?
  • Dịch "hai lời khuyên hữu ích" là two useful advices có ổn không?
  • Khác biệt giữa quickfast?
  • Tại sao khi khen người khác ốm, ta không nói You look skinny! ?
  • Giới từ dùng sau similar là gì? He is similar with me. có đúng không?
  • Các từ equation, permission, và television có hợp vần với nhau không?
  • Tại sao take it personally là đúng nhưng take it easily lại là sai?
  • Tại sao không thể dịch "một ngôi nhà cổ kính và xinh xắn" là a nice and old house?
  • Tại sao không thể nói "hai người giống nhau" là two alike people?
  • Khi nào thì persons vẫn đúng thay vì people?
  • Người Anh gọi "bánh quy" là biscuit, còn người Mỹ gọi là gì?
  • "Tôi rất thích kem." không thể dịch là I very like ice-cream. Tại sao?


Dưới đây là 6 từ điển tốt cho phép tra trên mạng. Bạn nên kiếm một cuốn in để có thể tra cứu thuận tiện hơn.

Oxford Advanced Learner's Dictionary (OALD) (thông tin chi tiết và dễ sử dụng nhất)
Cambridge Advanced Learner's Dictionary (CALD)
Longman Dictionary of Contemporary English (LDOCE)
Collins COBUILD Advanced Learner's English Dictionary (được Google sử dụng)
Merriam-Webster's Learner's Dictionary (có phát âm giọng Mỹ)
Macmillan Dictionary

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chương trình Lingoes để tích hợp nhiều từ điển trong cùng một giao diện. Nếu bạn gặp khó khăn, có thể liên hệ với tôi.

Học cách phát âm
Muốn hay không thì khi học một ngoại ngữ, bạn không thể tránh việc nghe và nói. Tuy nhiên, tôi thấy việc không chú trọng cách phát âm trong giảng dạy tiếng Anh là một sai lầm rất cơ bản. Tính thực dụng của ngôn ngữ đã bị thay thế bằng khả năng phân tích ngữ pháp "siêu đẳng" của sinh viên Việt Nam. Nếu bạn là một trong những "nạn nhân" như tôi, hãy bắt đầu lại bằng việc học phát âm. Khi người ta đánh giá khả năng thông thạo tiếng Anh của bạn, họ chỉ cần biết bạn có kỹ năng thực dụng gì. Kỹ năng đó là nghe và nói. Một công ty thường chỉ quan tâm bạn đàm thoại như thế nào với người bản xứ hơn là bạn được bao nhiêu điểm TOEIC hay TOEFL, v.v. Bạn sẽ có thể đọc được phiên âm quốc tế trong từ điển và biết cách phát âm của một từ sau khi học được cách phát âm.



Học từ loại tiếng Anh
Tại sao lại cần biết từ loại tiếng Anh? Để có thể hiểu từ điển nói gì! Không phải ngẫu nhiên mà các nhà ngữ pháp lại phân chia ra nhiều từ loại đến vậy. Biết một từ thuộc từ loại gì sẽ giúp bạn biết một câu có đúng ngữ pháp hay không và quan trọng hơn nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tra từ điển. Chẳng hạn, bạn sẽ biết từ like trong câu He is like me. không thể là động từ mà chỉ có thể là giới từ hay tính từ. Do đó, nếu bạn chưa có những khái niệm căn bản về từ loại tiếng Anh, đừng ngại bỏ thời gian ra tìm hiểu.

Ghi chú: những bài viết ngay sau đây không đi sâu vào phần ngữ pháp mà chỉ cho bạn những khái niệm cơ bản về chức năng của từng từ loại. Một cuốn ngữ pháp khá đầy đủ là cuốn Understanding And Using English Grammar - Third Edition (còn gọi là cuốn Én trắng). Cuốn này được đề cập trong các bài viết ở dưới với tên Betty. Cuối mỗi bài là bảng các quy ước thông tin về từ loại ghi trong từ điển OALD. Bảng này sẽ giúp bạn thấy được ích lợi của việc hiểu từ loại và sử dụng từ điển.

(Bạn nên đọc những bài sau theo thứ tự từ trên xuống.)

Danh từ và Đại từ (cập nhật ngày 22/8/2009)
Tính từ (cập nhật ngày 22/8/2009)
Định từ (cập nhật ngày 22/8/2009)
Trạng từ (cập nhật ngày 22/8/2009)
Động từ (cập nhật ngày 23/8/2009)
Trợ động từ (cập nhật ngày 23/12/2009)
Liên từ và Giới từ (cập nhật ngày 23/8/2009)
Vài điểm ngữ pháp liên quan tới từ loại (cập nhật ngày 22/8/2009)
Cụm danh từ (cập nhật ngày 8/3/2010)
Cụm động từ (cập nhật ngày 8/3/2010)

Trau dồi từ vựng đều đặn
Vấn đề đằng sau tất cả những yếu kém về kỹ năng ngôn ngữ không phải là những kỹ năng riêng lẻ đó mà chính là một vốn từ hạn hẹp hay rộng nhưng không được trau dồi đúng cách. Giải quyết được vấn đề thiếu từ vựng có thể gọi là giải quyết được phần lớn vấn đề học tiếng Anh.

Trau dồi từ vựng

Củng cố từ vựng

  • http://www.voanews.com/specialenglish/ (từ khóa: voa special english): Special English của đài VOA luôn cập nhật các tin tức mới nhất thuộc nhiều thể loại và mỗi bản tin đều có file mp3 tương ứng (đọc chậm) cho bạn tải về để luyện tập. Đây là cách tốt nhất để các bạn luyện nghe.


Chú ý: nếu trang trên không vào được thì bạn vào http://www.kproxy.com/ trước rồi nhập địa chỉ trên vào khung chữ rồi bấm Surf.

Trau dồi ngữ pháp
Thông thường chúng ta tiếp nhận ngôn ngữ qua giao tiếp và yếu tố ngữ pháp sẽ dần dần hình thành trong đầu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình học tiếng Anh của bạn, hãy trau dồi ngữ pháp khi có thời gian.

Trau dồi ý tưởng
Biết tất cả quy luật của tiếng Anh vẫn chưa đủ. Muốn sử dụng nó, bạn cần có ý tưởng cho nên cần phải luôn chuẩn bị đầu óc của mình cho mọi tình huống. Trau dồi ý tưởng qua sách báo, tài liệu là một cách như vậy. Không có gì ngạc nhiên khi biết những người thành công luôn nói chuyện trôi chảy và mạch lạc. Lý do là họ đọc rất nhiều.

Trau dồi ngữ pháp và ý tưởng (kèm danh sách các tài nguyên học tiếng Anh trên mạng)

Lưu ý: "trau dồi" nghĩa là không ngừng luyện tập. Nếu bạn chỉ đơn thuần nhớ nghĩa Anh-Việt của một từ mà chưa thực sự biết cách sử dụng, điều đó có nghĩa bạn chưa trau dồi đúng cách. Ngoài ra nếu biết kỹ năng nào khó nhất, bạn sẽ biết cần luyện tập kỹ năng nào nhiều hơn.

phan mem tu dien http://www.lingoes.net/en/translator/download.htm